Cua biển là một trong những loại thực phẩm có chứa hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao và có giá trị về mặt kinh tế. Tuy nhiên, việc đánh bắt cua biển thường gặp khó khăn và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường. Vì vậy, hiện nay bà con nông dân tìm cách nuôi cua biển trong bể xi măng rất nhiều. Để nuôi được cua biển thành công trong bể xi măng, đòi hỏi người dân phải có những kỹ thuật chăm sóc hết sức cẩn thận, tỉ mĩ và những kiến thức khi nuôi loài cua này.
Mục Lục
Thành phần dinh dưỡng của cua biển
Các loài cua biển được đánh giá cao về thành phần dinh dưỡng, với nhiều loài có giá trị thương mại toàn cầu. Thành phần dinh dưỡng trong cua biển rất phong phú; hàm lượng protein cao hơn nhiều so với thịt heo hay cá. Ngoài ra calci, phosphor, sắt và các vitamin A, B1, B2, C… cũng chiếm ở mức cao. Cua biển còn chứa một lượng lớn calcium, magnesium và axít béo omega 3; rất tốt cho tim, mạch.
Một số nghiên cứu dinh dưỡng còn ghi nhận cua giúp làm giảm cholesterol xấu và triglycerides trong máu. Thịt cua có vị ngọt, mặn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, sinh huyết, tán ứ, giảm đau, bổ xương tuỷ; nên rất tốt cho cơ thể đang phát triển ở trẻ nhỏ và tình trạng suy yếu ở người cao tuổi. Tuy nhiên vì cua có chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp với người cao huyết áp và bị gout. Những người bị cảm gió, sốt, mắc bệnh dạ dày, tiêu chảy cũng không nên ăn.
Những lưu ý khi nuôi cua biển trong bể xi măng
Chuẩn bị bể xi măng nuôi cua
Bể xi măng cần được xây dựng với diện tích khoảng 4 – 30 m2; chiều cao 1,3 m. Bể có thể thiết kế dạng hình vuông, hình tròn hoặc chữ nhật, có mái che một phần hoặc toàn bộ để ngăn ánh sáng chiếu thẳng vào bể. Phần đáy bể rải một lớp cát 3 – 5 cm, xếp thêm gạch làm chỗ ẩn cho cua, có van xả giúp thuận tiện cho việc thay nước.
Cần phải tẩy rửa sạch các chất xi măng có trong bể bằng việc dùng thân cây chuối chặt nhỏ cho vào bể ngâm 1 tuần; sau đó tháo sạch nước. Dùng vòi xịt mạnh vào bể để trôi hết lớp cạn xi măng ra ngoài. Tiếp theo, khử trùng bể bằng Chlorine hoặc thuốc tím trước khi thả cua giống. Mực nước trong bể đảm bảo mức 0,7 – 1 m, có hệ thống sục khí. Có thể nuôi chung hoặc chia ô nuôi riêng từng con.
Mẹo chọn giống cua tốt
Hiện nay nguồn cua giống cung cấp cho người nuôi, chủ yếu từ nguồn sản xuất giống nhân tạo. Nên cần chọn giống ở những cơ sở sản xuất cua giống có uy tín. Đồng thời, chọn giống đồng đều, khỏe mạnh, vỏ sáng bóng, nhanh nhẹn và không bị mất đi các bộ phận như thân, càng. Cua là loài giáp xác, nên khi lột bỏ vỏ chúng rất yếu. Vì vậy, cần lựa chọn cua giống cùng 1 lứa, để tránh tình trạng ăn thịt lẫn nhau. Cua con khi cho vào khay phải phân bố đều; không bị dồn cục khi đổ nước vào phải phân tán đều khay và khả năng đeo bám giá thể tốt.
Cua giống có các cỡ: Loại nhỏ 60 – 120 con/kg; loại vừa 25 – 50 con/kg; loại lớn 10 – 15 con/kg. Người nuôi có thể lựa chọn cỡ giống phù hợp với điều kiện cụ thể của bể nuôi.
Chú ý quá trình vận chuyển và thả giống cua
Đối với cua loại nhỏ, khi vận chuyển nên cho vào khay nhựa loại 20×40 (cm) có lót cỏ và giá thể. Mỗi khay nhựa 20×40 (cm) có thể vận chuyển 1.000 con.
Trường hợp cua loại vừa và lớn, để tránh tỷ lệ hao hụt, khi vận chuyển, cần cho vào thùng xốp có lót cỏ và giá thể. Sau khi cho cua vào, tiến hành dùng thảm thấm nước đè sát cố định vị trí cua tại chỗ, tránh chúng tấn công nhau và vận chuyển đến nơi bể nuôi. Mỗi thùng xốp 50×100 (cm), có thể vận chuyển 100 con đối với cỡ vừa và khoảng 50 con với cua cỡ lớn.
Thử nước trước khi thả giống: Cho 10 con cua giống vào thùng có chứa nước bể nuôi, nếu sau 24 giờ chúng còn sống và vẫn linh hoạt, có nghĩa là cua đã phù hợp với nước trong bể, khi đó có thể thả vào bể. Thời điểm thả giống tốt nhất từ 6 – 8h sáng hoặc từ 5 – 6h chiều. Nên thả vào những ngày nắng ráo, mát trời, có gió; tránh những ngày mưa nhiều, trời âm u.
Kinh nghiệm khi cho cua ăn
Thức ăn cho cua biển rất đa dạng, phong phú. Chúng thường thích ăn cá, tôm, nghêu, sò, vẹm và một số thực vật thủy sinh. Trong đó, cá lớn cắt thành miếng nhỏ, còng gỡ bẻ đôi, vẹm, nghêu, sò xẻ ra lấy thịt rải đều khắp bể cho cua ăn. Nếu cua ăn hết thức ăn thì có thể cho thêm; còn thừa nhiều nên giảm bớt lại. Không để cua ăn phải thức ăn đã ôi thiu. Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4 – 6% trọng lượng cua. Cua thường hoạt động bắt mồi vào buổi tối. Mỗi ngày cho cua ăn một lần vào thời gian từ 17 – 19h.
Quản lý nguồn nước, quá trình sinh trưởng của cua
Trong quá trình nuôi, cần đảm bảo các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp cho cua. Cụ thể: độ mặn từ 25 – 32‰, pH từ 7,5 – 8,5, nhiệt độ 27 – 30 độ C, nước không nhiễm bẩn hữu cơ hoặc vô cơ.
Hàng ngày, phải thay 20 – 30% nước trong bể xi măng. Định kỳ 1 tuần/lần vệ sinh toàn bộ bể, phần đáy bằng cách xả hết nước cũ, thay nước mới. Chú ý, luôn phải sục khí nhẹ cho cua; như vậy cua sẽ có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng lột vỏ và phòng trừ một số bệnh ký sinh trùng trong cơ thể. Nên thay nước vào buổi trưa, khi cua đang còn nghỉ ngơi. Lúc vệ sinh cần dùng lướt bịt chặt miệng cống; tránh tình trạng cua biển thoát ra ngoài gây thất thoát. Khi phát hiện có cua chết, cần vớt ngay ra khỏi bể.
Trong thời gian nuôi, định kỳ 2 tuần/lần bắt cua lên cân, đo để kiểm tra sinh trưởng của cua, xem xét tình trạng sức khỏe như cua có nhanh nhẹn, có bị ký sinh ngoài vỏ, xem trong xoang mang có bị ký sinh hay không. Nếu có hiện tượng bị nhiễm bệnh thì phải tìm nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.