Hàu là một trong những loại thủy- hải sản giàu dinh dưỡng và có hương vị thơm ngon. Dù vào mùa nào, nhu cầu về hàu trên thị trường nước ta luôn tăng cao. Vì thế, đây được xem là đối tượng nuôi trồng có thể đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để tối ưu hóa được lợi nhuận, bà con cần chú ý phòng và chữa bệnh cẩn thận cho hàu. Một trong những bệnh phổ biến nhất chính là hiện tượng hoại tử và gây chết.
Thực tế, hiện tượng hoại tử ở hàu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ beiens nhất là do virus và vi khuẩn. Riêng với hoại tử do vi khuẩn Nocardia crassostreae gây ra thì có tỉ lệ chết cao và chết rất nhanh. Giống như những bệnh do virus, vi khuẩn khác, bệnh hoại tử ở hàu cũng chưa có phương pháp chữa trị đặc hiệu. Do đó, những biện pháp phòng ngừa vẫn được ưu tiên chú trọng trong việc này.
Mục Lục
Hàu- đối tượng nuôi trồng giá trị cao ở nước ta
Hàu là một trong các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ được nuôi phổ biến dọc các vùng biển của nước ta. Đặc tính hàu dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư tương đối. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mà chúng mang lại rất cao. Hơn nữa, nước ta lại có điều kiện vùng biển thuận lợi, nguồn thức ăn phù du đa dạng. Vì thế, ngày càng có nhiều người chọn hàu làm đối tượng nuôi chính hoặc nuôi theo hình thức gia tăng kinh tế phụ. Song, dù với hình thức nuôi nào, hàu vẫn cần được chăm sóc quản lý tốt để cho giá trị thương phẩm cao nhất.
Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi tổng hợp các nội dung cần lưu ý đối với bệnh hoại tử trên hàu do vi khuẩn Nocardia crassostreae gây ra.
Nguyên nhân gây ra hoại tử ở hàu
Bệnh do vi khuẩn Gram dương Nocardia crassostreae gây ra (theo Friedman và cộng sự, 1998). Hàu bị nhiễm trùng dẫn đến hoại tử. Loài vi khuẩn này có nhiệt độ môi trường sống tối ưu là 28°C. Tuy nhiên, chúng có thể phát triển ở nhiệt độ môi trường lên đến 30°C (Friedman và Hedrick, 1991; Friedman và cộng sự, 1998).
Bệnh hoại tử do vi khuẩn N. crassostreae gây nhiễm trùng. Đồng thời, tỉ lệ tử vong cũng rất cao đới với hàu nuôi trên nền bùn. Tuy vậy cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng; hàu nuôi ở môi trường có các yếu tố giảm lưu thông nước cũng làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng bệnh này và tăng mức độ nghiêm trọng. Ví dụ như trong môi trường nước nông, nhiệt độ ấm áp và mức độ dinh dưỡng cao.
Triệu chứng bệnh hoại tử do vi khuẩn Nocardia crassostreae gây ra
Vi khuẩn Nocardia crassostreae tập trung chủ yếu ở các nang tuyến sinh dục, mô liên kết, mang, tim, cơ quan phụ. Tất nhiên, chúng cũng có thể xâm chiếm mọi mô của các cơ quan khác.
Các cá thể hàu nhiễm bệnh xuất hiện các mụn mủ màu xanh lá cây hoặc màu vàng. Mỗi mụn mủ có đường kính lên tới 1cm. Tuy vậy, các triệu chứng này vẫn chưa thể khẳng định hoàn toàn là hàu đang mắc bệnh do vi khuẩn Nocardia crassostreae gây ra. Bởi bên cạnh đó vẫn còn nhiều loại vi sinh khác gây bệnh cũng có triệu chứng tương tự. Kiểm tra bằng kính hiển vi cho thấy các tổn thương mụn mủ này bao gồm các khuẩn lạc nằm ở trung tâm. Bao quanh bởi sự khuếch tán là các tế bào máu chủ ( theo Elston và cộng sự, 1987; Friedman và cộng sự, 1991; Engelsma và cộng sự, 2008).
Phương pháp chẩn đoán bệnh ở hàu
Kiểm tra mô học là kỹ thuật tiêu chuẩn để phát hiện bệnh này. Trong mô học, N. crassostreae xuất hiện dưới dạng các cụm dày đặc. Nhuộm Gram dương, dương tính với nhuộm PAS. Chúng phân nhánh, đính cườm. Cụm “vi khuẩn basophilic” được bao quanh bởi sự tích tụ nhiều của các tế bào máu và xảy ra ở hầu hết các cơ quan. Các cụm vi khuẩn này thường có lõi dày đặc. Bản chất phân nhánh của N. crassostreae thường rõ ràng ở ngoại vi của cụm. Các cụm N. crassostreae dễ dàng được phát hiện trong mô các phần được nhuộm bằng nhuộm Gram.
Phòng trị bệnh ở hàu bằng cách nào?
Vi khuẩn gây bệnh có thể phân bố phổ biến rộng rãi. Không có khu vực nào có thể được coi là không có bệnh. Tỷ lệ tử vong do bệnh này chưa được đo lường chính xác. Tuy vậy mức độ nhiễm trùng nghiêm trọng và tỷ lệ lây lan cao ở một số quần thể hàu cho thấy tỷ lệ tử vong do vi khuẩn N. crassostreae gây ra là đáng kể (Elston, 1993).
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị bệnh. Người nuôi nên áp dụng các biện pháp quản lý vùng nuôi nhằm phòng bệnh. Ví dụ như thường xuyên vệ sinh khu vực nuôi hàu, tránh cách vùng nước ô nhiễm. Định kỳ kiểm tra sinh trưởng của hàu. Kịp thời loại bỏ các cá thể nhiễm bệnh và xử lý tránh lây lan trong quần đàn. Đồng thời, bà con cần loại bỏ các thiên địch của hàu trong tự nhiên. Người nông dân cần tham vấn ý kiến của cơ quan thú y – thủy sản gần nhất khi phát hiện bệnh.